(03/02/2021 4:08:50 PM) Ngày 1/2, Bộ Xây dựng họp Hội đồng nghiệm thu dự án sự nghiệp kinh tế “Điều tra khảo sát tình hình sản xuất và sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên trên phạm vi cả nước, đề xuất các giải pháp tăng cường sử dụng cát nghiền thay thế” do Viện Vật liệu xây dựng thực hiện. Chủ tịch Hội đồng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Lê Đông Thành chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, ThS.Nguyễn Văn Đoàn - chủ nhiệm dự án cho biết: nhu cầu cát tự nhiên dùng cho xây dựng ở nước ta rất lớn. Tỷ lệ khai thác cát đang vượt quá tỷ lệ bổ sung cát tự nhiên hàng năm, do vậy nguồn cát tự nhiên ngày càng khan hiếm, dự báo trong tương lai gần sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu cát dùng cho xây dựng. Khối lượng sử dụng ngày càng tăng, khai thác cát ồ ạt, trái phép đã tác động xấu tới môi trường và biến đổi khí hậu.Trong khi đó, cát nghiền là loại cát được nghiền nhỏ từ đá tự nhiên, cuội sỏi, và đang được dùng phổ biến trên thế giới thay thế cho nguồn cát tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Ở Việt Nam, tiềm năng sản xuất cát nghiền rất lớn với nguồn tài nguyên khoáng sản đá xây dựng, cuội sỏi được phân bố ở nhiều nơi. Tuy nhiên, sản xuất và sử dụng cát nghiền ở nước ta hiện chưa phổ biến, còn gặp nhiều khó khăn do thiếu sự quản lý khai thác cát tự nhiên ở nhiều nơi, thiếu các tài liệu hướng dẫn sản xuất và sử dụng cát nghiền, các chính sách ưu đãi. Vì vậy, rất cần phải thực hiện công tác điều tra, đánh giá thực trạng sản xuất và sử dụng, các khó khăn vướng mắc về kỹ thuật và cơ chế chính sách nhằm đề ra các biện pháp thúc đẩy sản xuất, sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên ở nước ta.
Sản phẩm của dự án bao gồm báo cáo kết quả thực hiện và dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên cho bê tông và vữa xây dựng”.
Theo báo cáo, nhóm dự án đã tổng hợp thông tin tình hình khai thác, sử dụng cát xây dựng từ nguồn cát tự nhiên trong giai đoạn hiện nay ở nước ta; điều tra, đánh giá thực trạng tình hình sản xuất cát nghiền, bao gồm công nghệ sản xuất, quy mô công suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm. Nhóm cũng đã điều tra, đánh giá tình hình sử dụng cát nghiền trong sản xuất bê tông và vữa xây dựng, các khó khăn trong việc sử dụng cát nghiền hiện nay; tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về cát nghiền. Nhóm đã tổng hợp, phân tích các nguyên nhân, hạn chế về cơ chế chính sách trong quản lý, khai thác, sản xuất và sử dụng cát tự nhiên và cát nghiền; các hạn chế về mặt hiệu quả kinh tế - kỹ thuật của việc sử dụng cát nghiền so với cát tự nhiên dẫn đến chưa khuyến khích được các nhà sản xuất, người dùng tăng cường sản xuất, sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên. Từ đó, nhóm dự án đã đề xuất các giải pháp tăng cường sản xuất và sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên trong sản xuất bê tông và vữa xây dựng.
Nhận xét về giá trị khoa học và thực tiễn cùng khả năng ứng dụng của dự án, hai ủy viên phản biện là ông Thái Duy Sâm - Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam và ông Nguyễn Duy Hiếu - Phó trưởng khoa Xây dựng (Đại học Kiến trúc Hà Nội) cùng các thành viên trong Hội đồng đánh giá: dự án đã trình bày tổng quan về cát xây dựng ở nước ta, điều tra, đánh giá tình hình chung về sản xuất và sử dụng cát nghiền. Các số liệu thống kê, đánh giá và dự báo có giá trị tham khảo tốt trong hoạch định chính sách quản lý. Bên cạnh đó, các kết quả nghiên cứu của dự án, trong đó có đề xuất các giải pháp tăng cường sản xuất và sử dụng cát nghiền, là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý Nhà nước đề ra và áp dụng các cơ chế chính sách phù hợp vào thực tiễn xây dựng ở nước ta trong giai đoạn từ nay đến năm 2050.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Lê Đông Thành đánh giá cao kết quả của dự án trong điều kiện hạn hẹp về kinh phí; lưu ý nhóm dự án trong phần đề xuất các giải pháp tăng cường và sử dụng cát nghiền, bên cạnh những giải pháp thuộc quản lý ngành của Bộ Xây dựng, nên đề xuất những chính sách hợp lý về tài chính, mang tính định hướng.
Dự án đã được Hội đồng nghiệm thu với kết quả xếp loại Xuất sắc.