Ưu việt của sàn phẳng Ubot và bê tông tự lèn

Chủ nhật - 24/06/2018 23:13
(23/06/2018 9:24:21 AM) Năm 2017, tỉnh Lâm Ðồng có mức tăng trưởng về ngành xây dựng đạt khoảng 13,5%/năm trong khi cả nước chỉ đạt khoảng 8,7%. Thành tựu đó nhờ một phần quan trọng của việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiệu quả; trong đó, phải kể đến sàn phẳng Ubot và bê tông tự lèn triển khai tại Công ty Cổ phần Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Lâm Ðồng (LBM).
Ưu việt của sàn phẳng Ubot và bê tông tự lèn
Ubot (U-Boot beton) là hộp định hình tạo rỗng làm từ nhựa tái sinh Polypropylene, được sử dụng để tạo nên sàn phẳng không dầm vượt nhịp lớn. Đây là giải pháp kết cấu sàn nhẹ tối ưu đã được sử dụng trong ngành xây dựng, sáng chế bởi tập đoàn nổi tiếng thế giới Daliform, Italia, ứng dụng rộng rãi và phổ biến trong hàng ngàn công trình khắp thế giới.

Ở Việt Nam, Ubot đã được chuyển giao và phát triển giải pháp bởi Công ty TNHH Xây dựng Lâm Phạm (LPC) từ năm 2012. Hiện nay, tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng, sản phẩm Ubot do Công ty LBM độc quyền phân phối và ứng dụng. Đây là giải pháp đột phá và hiệu quả kinh tế cũng như đáp ứng những yêu cầu khắt khe trong ngành xây dựng.
 

Công trình thi công sử dụng công nghệ Ubot và bê tông tự lèn tại Đà Lạt.

 
Về kết cấu, sản phẩm Ubot là hình hộp rỗng, thủng đáy với 4 chân hình côn (nón trụ). Các hộp nằm trong sàn tạo ra các lỗ hổng giảm tải trọng cho sàn… Ưu điểm vượt trội của Ubot còn là chiếm lợi thế về kích thước, có thể xếp chồng lên nhau, dễ dàng vận chuyển, bảo quản ngoài trời và đặc biệt không dễ vỡ. Hình dáng cải tiến, độ dày và kích thước linh hoạt cùng khả năng chống cháy tốt. Trong và sau quá trình đổ bê tông, Ubot không bị biến dạng do trọng lượng bê tông hoặc do các hoạt tải.

Lãnh đạo LPC cho biết một số tối ưu về kết cấu sàn phẳng sử dụng Ubot gồm: nhịp lớn và kiến trúc thông thoáng (có khả năng vượt nhịp tới 20 m, tạo không gian thoáng rộng cho công trình); sàn phẳng không dầm; giảm độ dày của hệ thống dầm sàn; tăng số lượng tầng; tăng khả năng cách âm, cách nhiệt; giảm trọng lượng sàn từ 10-30% so với sàn thông thường; giảm tổng trọng lượng sàn xuống móng từ 10 - 30%; giảm kích thước móng; thân thiện với môi trường; giảm chi phí phần cơ điện…

Theo đó, thi công Ubot sẽ tiết kiệm được 10-15% tổng chi phí công trình nhờ tiết kiệm được từ 10-30% chi phí bê tông, cốt thép, cốp pha, nhân công, hệ thống kỹ thuật. Ngoài ra, còn nhiều tối ưu hiệu quả kinh tế khác như tăng chiều cao thông thủy, tăng số lượng tầng; tiết kiệm chi phí lưu kho và vận chuyển, nhân công… Công trình thi công bằng Ubot cũng nhờ vậy mà đã đem lại những ứng dụng linh hoạt trong thực tế như về bãi đỗ xe, văn phòng, chung cư, trường học, bệnh viện…
 
Việc kết hợp sàn Ubot với bê tông lèn càng đem lại tính tối ưu trong thi công và sử dụng công trình xây dựng. Bê tông tự lèn là sản phẩm của LBM. Theo lãnh đạo của LBM, sản phẩm này có độ chảy cao, được thiết kế để thi công các kết cấu phức tạp, cốt thép dày đặc, kết cấu hình vòm, vỏ mỏng, các kết cấu không thể đầm trực tiếp, các kết cấu cần có bề mặt hoàn thiện đẹp và giảm được số lượng nhân công. Để đảm bảo khả năng tự lèn, bê tông không chỉ cần độ linh động thích hợp mà còn phải có độ nhớt nhất định bởi vì bê tông phải chảy qua các cốt thép một cách dễ dàng; và có thể bơm được cự li xa tới 500 m.

Do đó, cũng theo đại diện lãnh đạo LBM, bê tông phải có độ chảy (độ xòe) đường kính lớn hơn hoặc bằng 60 cm. Bê tông tự lèn là một trong các loại bê tông chất lượng cao. Vì vậy, để sản xuất được bê tông này, cần sử dụng đá ve qua côn VSI, cỡ hạt từ 5 - 20 mm, các loại phụ gia khoáng (Silica fume, tro bay…) và phụ gia hóa chất lượng cao. Bê tông tự lèn đã khẳng định được nhiều ưu thế như thi công nhanh, giảm tiếng ồn từ đầm lèn, tiết kiệm thời gian, thân thiện với môi trường…

Chủ tịch Hội đồng quản trị LBM Lê Đình Hiển cho biết, là đối tác của LPC, đồng thời sản xuất sản phẩm bê tông tự lèn, mục tiêu của LBM là khẳng định chất lượng sản phẩm. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện các yêu cầu về kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, khách hàng, đặc biệt là những công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước và công trình của người dân. 
 
Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Lâm Đồng, ông Nguyễn Dũng, Phó Giám đốc Sở cũng khẳng định, về phía Sở, chúng tôi rất ủng hộ việc ứng dụng công nghệ mới này vào thi công xây dựng công trình. Việc này hoàn toàn phù hợp với tinh thần, chủ trương của Chính phủ và Bộ Xây dựng đó là “tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng lao động, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình trong thời đại cách mạng 4.0; chú trọng áp dụng công nghệ mới trong phát triển vật liệu xây dựng mới.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, việc ứng dụng sàn Ubot và bê tông tự lèn còn gặp rào cản như chưa được tiêu chuẩn hóa, chưa có định mức kinh tế kỹ thuật nên gặp khó khăn. Vì vậy, để sử dụng phổ biến, rộng rãi ông Dũng đề nghị nhà cung cấp, nhà thầu xây dựng và các tổ chức liên quan cần sớm hoàn tất những phần việc như tính toán chính xác để thể hiện tính ưu việt của sản phẩm; xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật; chuyển giao quy trình công nghệ thi công; đào tạo nhân lực...

Nguồn tin: vatlieuxaydung.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay2,009
  • Tháng hiện tại6,000
  • Tổng lượt truy cập12,361,353
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây